Nhà thơ Quang Dũng cùng mối tình thật đẹp của ông với cô Akimi con gái của bà chủ quán rượu ở Sơn Tây
Người con gái Sơn Tây
Giải đáp bí ẩn “Đôi mắt người Sơn Tây”
Quang Dũng có nhiều bài thơ trữ tình rất hay, như: Cố quận, Đêm Việt Trì, Tây Tiến, Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây, Đường trăng v.v... nhưng Đôi mắt người Sơn Tây là bài thơ nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ nhất. Thi phẩm nói lên cuộc gặp gỡ của nhà thơ với người con gái trong thời loạn lạc, một thoáng quen biết rồi chia tay giã biệt trong cuộc tình buồn, ngắn ngủi:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
“Em ở thành Sơn chạy giặc về”, như vậy người con gái này quê ở Sơn Tây, nhưng nàng là ai, tên gì, họ gì, làm nghề gì, gia đình ra sao và bao nhiêu tuổi?
Theo nhạc sĩ Phạm Duy, bạn học cùng lớp với Quang Dũng tại trường Thăng Long, Hà Nội - Quang Dũng ngồi phía sau Phạm Duy cách hai bàn. Ông to con, nước da trắng, thân hình rắn rỏi, khỏe mạnh, đẹp trai, trông như Tây nhưng rất hiền lành. Lúc Quang Dũng còn là đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến đóng ở Hòa Bình thì Phạm Duy cũng ở trong ban Văn công hoạt động tại đấy. Quang Dũng được nghỉ phép về thăm gia đình ở làng Phùng Xá thuộc tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, gần với Sơn Tây (sau này Hà Đông và Sơn Tây nhập lại thành tỉnh Hà Tây, bây giờ cả hai nhập vào Hà Nội), nơi có con sông Đáy đẹp như tranh vẽ. Từ Hòa Bình ở phía Nam đi lên phía Bắc về Hà Đông phải đi qua Sơn Tây, anh tạt qua nơi có tên là Kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người yêu tên Nhật. Do nàng tên “Nhật”, lại đẹp như người Nhật nên bạn bè thường gọi đùa là “Akimi”. Bà mẹ Akimi khi chạy tản cư từ thị xã Sơn Tây xuống Kinh Đào, có mở một quán cà phê nhỏ để buôn bán tạm, Quang Dũng mỗi lần về ngang qua quán thường hay ghé uống. Nàng chính là “người đẹp Sơn Tây”, nguồn cảm hứng cho Quang Dũng làm “Đôi mắt người Sơn Tây” đầy cảm xúc:
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương
Và:
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây...
Akimi sống với mẹ trong cái quán nước đơn sơ này, nhà thơ thường hay lui tới và có lần sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng dán lên vách nứa:
Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước Kinh Đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên...
(Đây là trích đoạn bài thơ mới phát hiện sau này do chính bà Akimi Nhật - định cư ở Hoa Kỳ cung cấp).
Qua thơ, người thưởng thức vẫn thấy một bóng hình đẹp lãng mạn của người con gái mặc dầu không biết mặt. Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng. Thi sĩ kể về mối tình của mình với người đẹp Akimi và đọc lên bài thơ tặng nàng:
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai
(Đôi Bờ)
Sau này, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành phố, bỏ lại người xưa, tan vỡ một mối tình.
Tới năm 1954, nàng di cư vào Nam, sống tại Sài Gòn, đã một thời là kiều nữ của Nhà hàng Tự Do, đến năm 1975 sang Mỹ định cư. Nàng đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ ơ hờ, chỉ biết:
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào...
Bài thơ càng nổi tiếng ở Miền Nam hơn khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc rất hay, trở thành phổ biến qua giọng ca truyền cảm của nữ danh ca Thái Thanh và sau đó là danh ca Duy Trác. Có người ngạc nhiên khi thấy nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ một lượt hai bài thơ trong cùng một bản nhạc, đoạn đầu lấy bài Đôi Bờ, đoạn sau là phần chính thì lấy bài Đôi mắt người Sơn Tây, rất độc đáo, hiếm thấy trong âm nhạc.
Như vậy, chính “người đẹp” Akimi Nhật là nguồn cảm hứng cho những bài thơ bất tử của Quang Dũng, và Phạm Đình Chương là người đã chắp cánh cho thơ Quang Dũng bay cao, bay xa mãi trong lòng người...
Đôi Mắt Người Sơn Tây - Đức Tuấn
Em mãi là hai mươi tuổi" - (Khúc Dương - Quang Dũng) - Cam Thơ
3 comments:
Very nice - bài này là xưa có nnghe thầy hát hay lắm - chẳng biết mắt ng` sơn Tây là gì nữa
Very nice !!!
Hôm nào chia xẻ bài hát do thầy hát đi. Giọng thầy hát là số 1 rồi.
Post a Comment