Saturday, October 18, 2014

TRUYỆN CHÚNG MÌNH - Nhà thơ NHẤT TUẤN


TRUYỆN CHÚNG MÌNH
Nhà thơ NHẤT TUẤN
Đà Lạt luôn ở trong trái tim nhà thơ NHẤT TUẤN (Phạm Hậu). Trước 1975 nhà thơ là quân nhân, gia nhập trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, năm 1955, Khóa XII. Nhà thơ được biết đến nhiều qua những tập thơ “Truyện chúng mình” và tập truyện “Đời lính”. Thơ NHẤT TUẤN thuở xa xưa đầy những hình ảnh thân thương về thành phố Đà Lạt.

Thoạt tiên tình yêu thấp thoáng trong bài thơ “Truyện chúng mình”, chỉ gợi lên nỗi nhớ mong của người ở Đà Lạt bị xa cách với người ở Sài Gòn:
“Còn nhớ những thư người trước gửi
Sài gòn – Đà lạt mới năm nào
Từng chiều thứ bảy anh mong đợi
Màu chữ xanh, yêu đến ngọt ngào
Hồn có nguyên trinh màu trắng cũ
Môi hồng vẫn thắm thuở ban đầu
Không dưng lòng rộn niềm ao-ước
Nhưng biết ai còn nhớ đến nhau.”
     Trong đời lính, phải rời xa Đà Lạt, từ nơi tiền đồn biên giới nhà thơ gửi lòng nhung nhớ về thành phố này nhân mùa Giáng Sinh khi viết bài “Niềm tin” cũng đầy mong nhớ:
“Lại một Noël nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời.
Chắc Đà lạt vui lắm
Mimosa nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Hương ngào ngạt không gian.”
     Sau khi tình yêu nơi giáo đường xuất hiện, trong hồi tưởng, nhà thơ chỉ nguyện cầu, ước mong “thấy” được người yêu nơi bài thơ “Cầu nguyện”
“Con quỳ lạy chúa trên trời
Để cho con thấy được người con yêu
Đời con đau khổ đã nhiều
Kể từ thơ dại đủ điều đắng cay

Bây giờ con đã gặp nàng
Không giàu, không đẹp, không màng lợi danh.
Chúng con hai mái đầu xanh
Chấp tay khấn nguyện trung thành với nhau.
Thề rằng sóng gió biển dâu,
Đã yêu… trước cũng như sau… giữ lời
Người ta lại bỏ con rồi,
Con quỳ lạy Chúa trên trời thương con.”
     Mùa Giáng Sinh thường là thời điểm kỳ diệu nhất trong suốt cả một năm với tiếng chuông nhà thờ ngân nga trong đêm vắng, với ánh nến lung linh huyền ảo và giọng thánh ca trầm bổng gợi lên những cảm xúc thanh thoát, êm đềm và thánh thiện trong lòng người. Bên giáo đường hoa mimosa Đà Lạt khoe sắc vàng tươi thắm, nhưng trong lòng nhà thơ lại chỉ nổi lên kỷ niệm buồn bã với bài “Mimosa thôi nở”:

“Noël xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu
Mimosa... bừng nở
Đẹp như tình ban đầu
Đà lạt mờ trăng lạnh
Đường về ta bước mau.
Rồi anh hỏi khẽ em
Đã xin gì với Chúa
Trong đêm lễ Noël
Em lắc đầu chả nhớ
Nhưng hồng lên đôi má
Nắm tay anh đợi chờ
Trông em sao xinh quá
Và ngoan như nàng thơ.
Mới bốn mùa thu qua
Mimosa vẫn nở
Sao mối tình đôi ta
Ai làm cho dang dở
Đêm nay Noël đây
Chuông nhà thờ khắc khoải
Gió đồi lang thang bay
Mưa buồn giăng ngõ tối.
Anh quỳ bên tượng Chúa
Cúi đầu chắp hai tay
Lạy Chúa con chờ đợi
Người ngày xưa về đây
Nhưng em không về nữa
Đường khuya mưa bay bay
Mimosa thôi nở
Trong hồn anh đêm nay.”
     Trong bài thơ “Truyện cây hoa Mimosa” (1964), lại cũng vẫn thoáng lộ ra vẻ giận hờn, trách móc vì tình phụ:
“Một đi vĩnh biệt cao nguyên
Mimosa trả… cho miền núi non
Làm gì có chuyện sắt son
Thì thôi đừng dại mỏi mòn mắt trông.”
     Trước từng cùng “người xưa dịu hiền” kề vai nhau tình tự ngồi bên hồ Than Thở. Nay sao lại đã xa nhau, chỉ còn lại lời thở than tiếc nhớ dĩ vãng kỷ niệm trong “Bài hát đồi Sim”:

“Đà lạt đầy sương khói
Một mình anh lặng yên
Nghe hồn mình nức nở
Nghe buồn len trong tim
Nếu mình đừng gặp nhau
Trên núi đồi Đà lạt
Vì tình yêu ban đầu
Đã tan theo sóng nhạc.
Người xưa… người xưa đâu?
Để… lòng anh tan nát
Đời bãi bể nương dâu
Cũng buồn như tiếng hát.”

     Đà Lạt rất thích hợp để làm bối cảnh cho những truyện tình. Cũng vẫn hồ Than Thở Đà Lạt là nơi đôi lứa từng vui chơi với hoa “bất tử” là sứ giả của tình yêu. Nhưng nay sao chỉ còn là một kỷ niệm “tàn nhẫn” trong bài “Cánh Immortel cuối cùng” (1964)
“Hôm xưa đi chơi hồ Than Thở
Em ngắt bên đường một đóa hoa
Rồi chạy đến anh cười hớn hở
Đây hoa bất tử như tình ta.

Từ dạo sân nhà em đỏ pháo
Em cùng người ấy sống yên bình
Đêm đêm úp mặt vào tay bảo
Nào có ra chi… truyện chúng mình.

Anh quên màu đỏ trong hoa đó
Màu đỏ là màu của biệt-ly
Và của bao nhiêu sầu hận tủi
Giờ đây còn biết nói năng chi.
Cánh hoa bất tử rơi lần chót
Tàn nhẫn như người rũ áo đi.”
     Một ngày nào đó khi hồi tưởng về thành phố cao nguyên với tình yêu đẹp đẽ tràn đầy mộng ước lúc mình còn là sinh viên võ bị, NHẤT TUẤN viết bài “Nhớ về Đà lạt” (1964):


 “Nhớ tám năm về trước
Khi còn là sinh viên
Học trong trường Võ bị
Nơi núi rừng cao nguyên

Dạo ấy em mười tám
Xinh đẹp hơn tiên nga
Tóc mây bồng vương trán
Môi cười tươi như hoa”

   




 Đôi lứa đắm mình trong phong cảnh hữu tình của Đà Lạt:
 
 
“Còn nhớ không ngày xưa
Đà lạt buồn trăng mờ
Gió vàng trên nước biếc
Chim chiều bay bơ vơ”
 “Rừng ái ân vẫn đó
Hồ Than thở còn đây
Thông im buồn đợi gió
Mây đồi xa còn bay
Cũng vẫn một khung trời
Còn nguyên hình ảnh cũ
Em bây giờ xa rồi
Tìm đâu người viễn xứ
Tình nào không dang dở
Màu nào mà không phai
Cho nên anh không nỡ
Làm thơ để trách ai
Riêng chiều nay nhớ lại
Truyện chúng mình ngày xưa
Nhìn khung trời Đà lạt
Mà tưởng mình đang mơ.”
     Và còn nhiều cuộc tình dang dở với bóng dáng Đà Lạt khác nữa trong thơ NHẤT TUẤN. Khi mưa Đà Lạt giăng mắc trên thành phố thời nhà thơ ngậm ngùi nhớ lại hình ảnh cũ, đầy ngang trái và nát tan, nhà thơ viết bài “Mưa trong kỷ niệm”. Một ngôi giáo đường nhỏ bé của Đà Lạt cũng gợi nhớ một mùa Giáng Sinh với hoa anh đào khoe sắc thắm, nhà thơ viết bài “Nhà thờ đường Cô Giang”. Một tiếng hát, một bài hát ngày xưa cũng lại nhắc nhở tới kỷ niệm chia ly cũ, nhà thơ viết bài “Đêm cuối cùng Đà lạt”.
     Người yêu thơ có lẽ phải nhận ra rằng NHẤT TUẤN, với những vần thơ lai láng trữ tình trong “Truyện chúng mình” không phải chỉ là truyện riêng tư “thì thầm bên gối” giữa hai người nữa mà đã hóa thành “truyện chúng mình” của bao nhiêu là đôi tình nhân thanh niên nam nữ khác. Nhà thơ đã viết hộ xuống những trang nhật ký về tình yêu của bao người trẻ tuổi. Khi thì đằm thắm thiết tha. Nhiều lúc lại dang dở não sầu, phải cần đến thời gian như là một loại linh dược để dần dần hàn gắn các vết thương lòng trong quá khứ. Có thể coi đây là tâm sự chung của một thế hệ thanh niên thời đó, đồng một lứa tuổi với tác giả.

     Bài “Ảo ảnh” cũng vẫn khắc ghi lại kỷ niệm uá sầu khôn nguôi:
“Xin giữ mãi kỷ niệm buồn Đà lạt
Giữa đồi thông rừng cỏ non xanh ngắt
Nhớ điên cuồng trong một phút bâng khuâng.
 
 
      Trong cuộc sống tha hương, khi mùa Xuân tới biết bao là hình ảnh Đà Lạt lại chập chờn hiện về trong ký ức. Tình yêu đã mở rộng ngoài tầm “đôi lứa”. Tuy vẫn buồn nhưng hình ảnh ngôi trường xưa yêu quý hiển hiện như một vì sao sáng trong bài “Lại một xuân buồn” (1985):
“Nhớ Bích Câu Đà lạt thoáng mưa bay
Hồ Than Thở cùng lòng ai hòa nhịp
Rừng Ái Ân với ngàn thông xanh biếc
Thác Gougah, cây gọi gió than van
Đồi 15 đâu đó cụm mai vàng
Giáng Sinh tới Anh đào khoe sắc thắm
Mimosa sương long lanh đọng nắng
Chiều Lâm Viên, bản Thượng khói dâng cao
Những kỷ niệm xưa thân ái biết bao…
Ghi lại thuở bên nhau nơi Trường Mẹ!”
 

     Trong cuộc sống tại ngước ngoài, khi cảm tác “Truyện chúng mình hải ngoại” NHẤT TUẤN viết: “Thôi trang đời đã khép”: 
“Và những chiều Đà lạt
Một mình trên đồi thông
Mưa nhạt nhoà trong mắt
Gửi sầu... vào mênh mông.”
 
     Phải chăng có lẽ để tưởng vọng về thành phố Đà Lạt mưa giăng, sương phủ với núi đồi thông xanh đầy ắp những kỷ niệm ngày xa xưa một phần đời của mình còn gửi lại nơi chốn ấy vì thế mà trong chuỗi ngày ly hương và khi mái tóc chớm điểm bạc nhà thơ đã chọn về định cư ở một thành phố cũng giăng mưa với ngàn thông xanh hoài ngàn năm giữa một miền đồi núi chập chùng ở vùng trời tây bắc Hoa Kỳ, đó là Seattle?


 

(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”
Soạn giả: LS. Ngô Tằng Giao)




 

 




 
 

 





 

No comments: